Ảnh tử net
Nhìn những tờ lịch cũ trên tường đang bóc dở, đúng ngày 30 tháng 10 âm lịch. Lòng bồi hồi nhớ lại những tháng 10 của tuổi thơ đầy ấp kỷ niệm.
Đó là những ngày của tháng 9, tháng 10 của vùng sông nước Nam Bộ, ai đã từng trải qua tuổi thơ ở nơi đây thì ít nhiều trong lòng cũng ghi lại những kỷ niệm khó quên của những mùa nước nổi trắng đồng. Với những ngày trốn Cha, Mẹ ham chơi theo chúng bạn chống xuồng đi hái bông súng nước, giăng lưới bắt cá rô, những bông súng trăng trắng, hồng hồng nở khắp cánh đồng ngập nước , những chú cá rô đen trũi to bằng nắm tay, béo ục thích ơi là thích. Mỗi lần trốn theo chúng bạn như thế về nhà là một trận đòn ra trò vì Mẹ sợ mình bị chết đuối, tuy sống ở vùng quê sông nước nhưng mình chưa bao giờ biết bơi dù đã cố tập bơi bị uống nước đến phình bụng mà vẫn cứ lủm chủm như chó bơi, có bạn mách rằng cho chuồn chuồn cắn rún là biết bơi liền, thế là chẳng những cho "chuồn chuồn tơ" cắn mà tìm cả " chuồn chuồn chúa" thật to cắn sưng cả rún mà vẫn lủm chủm hoài ặc ặc ặc.... nghẹn ( nhớ lại sao hồi đó mình ngu thế không biết ).
Mỗi năm trước khi nước bắt đầu lên, người nông dân tất bật gặt lúa để tránh lũ, nhìn những cánh đồng mênh mông một màu vàng rộm, thơm ngát mùi lúa chín, mùi rơm rạ. Mình vẫn thường hay trốn Mẹ theo bạn ra đồng tập gặt lúa, nhìn những bông lúa trĩu hạt nặng kịch trên tay mà thấy thương người nông dân đổ bao là mồ hôi để đổi lấy những bông lúa vàng trĩu nặng, nhưng lúc đó vì còn là bé con mình đâu biết được nỗi nhọc nhằn mà người nông dân phải chịu để đem về cho những người thành thị những hạt gạo thơm phức trắng tinh, còn bản thân họ chỉ dám để dành lại những loại gạo thường để ăn. Có những năm mùa nước lên sớm, lúa không chín kịp thì xem như cả mấy tháng trời gian khó đành vùi trong nước lũ.
Mùa lũ quê mình không khủng khiếp như những Miền Bắc, Miền Trung, mùa lũ xưa kia nước không dâng cao nhiều như bây giờ nên nó cũng là mùa làm ăn của những "nông dân" không có ruộng, họ sống bằng nghề bắt tôm, cá đổi lấy tiền sinh sống. Mỗi năm vào mùa này khi nước dâng lên mang theo nhiều phù sa màu mỡ, và bao nhiêu là tôm cá cho người dân nhờ vào nó mà sinh nhai.
Mùa lũ trong ký ức mình thật đẹp, chống xuồng đi hái những vạt bông điên điển ven bờ, một màu vàng bát ngát soi mình trên dòng sông lung linh, mang những chùm hoa vừa nở búp về cho mẹ nấu canh chua, hoặc ăn với mắm kho thì thật là tuyệt vì món ăn dân dã này vẫn thường có trong bửa ăn nhiều gia đình nông dân quê mình mà giờ đây ở nơi phố thị nó trở thành quốc hồn quốc tuý.
Nhớ những trưa chèo xuồng cùng bạn vớt những những bông ô môi màu hồng nhạt trôi đầy sông, những cánh hoa dân dã, nhỏ nhắn, khiêm tốn sắc màu dịu nhẹ, nhưng với mình nó đẹp làm sao.
Giờ đây ở nơi chốn đô hội phồn hoa này, những khi va vấp ưu phiền mình lại nhớ làm sao cái miền quê yên tĩnh hiền hoà, với tiếng gà gáy trưa, với giếng nước gốc đa, ( à mà quê mình làm gì có đa, chỉ có mù u thôi, mù u trái từng chùm lúc lỉu quả nhưng tiếc là không ăn được, hoa nó màu trắng cũng thơm đâu kém hoa hồng kiêu sa). Nhớ mùi rơm lúa mới hít hà một hơi căng đầy lồng ngực, nhớ tiếng khua máy chèo, tiếng ghe máy chạy xình xịch, nhớ ơi là nhớ.... Nhớ quá khi nước lên xắn quần bước lủm chủm đi câu cá lòng tong cùng lũ bạn( cũng trốn Mẹ thôi vì Mẹ chẳng bao giờ cho mình đi lang thang vì sợ bị chết đuối hì hì hì ở nhà quê nhưng không biết bơi là một điều hơi bị lạ, chuồn chuồn cắn, ôm cây chuối, uống phình bụng nước vẫn ko biết bơi ngộ vậy đó). Mỗi lần đi như thế trong giỏ của mình chỉ có mấy con cá lòng tong bé tẹo do mấy đứa đứa bạn chê nhỏ nó cho, vậy mà hớn hở mang về khoe với Mẹ, thế là hôm đó mấy con vịt bầu nhà mình được một bửa no nê, chẹp chẹp chẹp..... hơi buồn tí nhưng nhờ vậy mà vịt mau lớn để mình có thịt vịt măm măm....
Giờ đây thì không còn nữa rồi cái làng quê yên tịnh, kể cả tiếng gà gáy trưa cũng thưa thớt, tiếng xuồng ghe máy cũng không còn, mà thay vào đó là tiếng xe máy ầm ầm của lũ trai làng nửa quê nửa chợ chạy như bị phong giựt, đường làng năm xưa giờ thành đường tráng nhựa, duy chỉ khóm hoa quanh nhà, cây cầu cạnh bờ sông vẫn được Ba, Mẹ giữ lại để mỗi chiều ra ngồi hóng gió. Mình cảm thấy tiếc nuối thật nhiều cái làng quê năm xưa, tiếc cây phượng già cạnh cây cầu vừa mới "qua đời" năm ngoái. Dù thời gian làm thay đổi tất cả nhưng với mình cái làng quê ấy vẫn còn hoài trong ký ức.
Đọc tuổi thơ mùa mưa lũ của CM cảm thấy vui lắm. Ở vùng sông nước mênh mông mà không biết bơi thì chắc CM nhát quá nên không thả lỏng được mình rồi .
Ơi những con nước ròng,nước lớn.
Bìm bịp kêu như vương vấn tình nghèo.
Bông so đủa ,bát canh chua cá kèo,cá lóc.
Ly rượu cốc, xoài dân dã đậm tình quê.
Thuyền năm lá ,hai mái chèo dỡn sóng
Nối tình em đến với trái tim người.
Thân
Trời Hà nội lại nắng sau mưa
Người lại người kéo nhau ra đường tíu tít
Cô mỳ ống cuời cũng ra đường hít bụi
Miệng hát thầm “Hà nội vắng những cơn mưa”
Ông phi công ở Bun đi nhặt thóc
Cho đầy hòm để đóng gửi về quê
Cô Vân Chi tay mang quả bí đỏ
Giống cô giáo Tày dạy chữ… tận Hà giang
Dung Thái bình ra công viên gia định
Tập thể thao mắt còn ngắm … Em xồn xồn
Cô Bảo thương ngồi thừ viết tình ký
Và Trăng quê tranh thủ dịch thơ nga
Người âm lịch đội mưa đi đá bóng
Cô lê thi dạy con mười bảy tuổi
Và ngồi hát bài ca đất phương Nam
Phượng Tím miền nam lại may áo dài
Cô Cỏ may viết văn mùa nước nổi
Đời bình dị trôi mà cứ đẹp như thơ
Trên đường nắng con chim sẻ ríu rít
nhặt hạt cơm trên ngõ ai đánh rơi
Ngẩng mặt lên nhiều cây vừa rụng lá
Sau những ngày gió giật với mưa rơi
Qua cành cây nhìn thấy trời xanh quá
Giống như cây đời mãi mãi vẫn xanh tươi
Và cũng ước rụng đi những cái lá bị sâu mọt
để ngày mai thêm sức sống dâng tràn
lang thang blog cỏ may, tôi tìm thấy một trời bình yên, 1 trời kỷ niệm dịu nhẹ, như vòng sóng đã loang ra, vẫn níu lại nét uốn hình sin...