Pages

17/9/13

Mùa của những cơn mưa

Miền Nam chẳng có Thu, tuy nhiên đối với tôi nó vẫn hiện hữu. Dù có nói về Thu bao nhiêu lần đi nữa thì cái cảm xúc vẫn tinh khôi như lần đầu. Mùa này rất hay mưa, những cơn mưa ồn ã, hoặc lắm lúc chỉ là lất phất, nhưng khi những cơn mưa qua đi thì nắng lên một màu vàng mượt mà, thật tươi. Nó rất khác với màu nắng của mùa Hạ hay mùa Xuân. Những ngày như thế tôi lại thích lang thang ra phố, thả tầm mắt ngắm nhìn những hạt nắng li ti, trên hai hàng cây phượng gầy guộc đầy lá. Dẫu không muốn thì nó vẫn vàng, và rơi rất nhanh chóng, sau một ngày ướp mật trên cây, qua cơn mưa đêm thì sáng hôm sau là những xác lá nằm hiu hắt ngập đầy dưới gốc. Chạnh lòng....! Mỗi lần đi ngang những hàng cây ấy, tôi luôn đưa mắt nhìn xem nó vẫn còn vàng hay đã rụng, cứ ước thầm đêm nay đừng mưa, để cho lá có thêm ngày nữa bên cây, để màu vàng ấy mang đến cho đời thêm chút rực rỡ. Bàng ở Miền Nam tuy không nhiều nhưng đến Thu nó vẫn theo đúng qui luật, thắp lên những lá vàng lá đỏ lên cây, dù cuộc đổi thay xem ra rất là đơn độc, rồi sau đó thì rơi rụng khắp sân, những chiếc lá chao nghiêng trong không gian như con thuyền chòng chành trong sóng dữ, rồi nhẹ nhàng đáp xuống gốc, lại trở về với đất nuôi cây. Thi thoảng vào buổi sớm mai của những cuối tuần, trời rất trong và nắng đẹp, có thể yên tâm ngồi nhấm nháp chén trà sen bạn tặng, ngắm nhìn, hoặc tự do lơ đãng, để buông lòng chìm xuống, chìm xuống tận đáy bình yên. Bỗng vẳng nghe tiếng chim vịt kêu, tiếng kêu lạc lõng giữa phố xá ồn ào. Điều làm tôi ngạc nhiên là làm sao còn tồn tại loài chim ấy ở chốn thị thành? Hoặc thảng lại nghe tiếng con Quốc Quốc, như ai oán và tiếc nuối điều gì. Thật sự đó cũng là một điều bí ẩn. Giây phút bình yên cứ thế bị phá tan bởi tiếng kêu bàng hoàng, tha thiết! Cũng thật may mắn khi trời đất sinh ra bốn mùa, để con người có thể cảm nhận hết từng cung bậc cảm xúc mà mỗi mùa mang đến. Nếu không, những hàng cây gầy guộc kia sẽ buồn lắm lắm, vì nó luôn bị gán ghép với mùa Thu, với chia ly và hoài niệm.

13/8/13

Lần đầu

Một buổi sáng không nắng, không mưa. Nàng đang chầm chậm xuôi theo dòng người nhộn nhịp, hồn đang lâng lâng, bỗng cảm giác như ai đang chạm nhẹ vào mình, cứ nghĩ: ừ thì người người chen chút với nhau, những cái va chạm như thế thường tình. Nhưng dường như bài tay "xinh xắn" ấy không chịu dừng lại, mà đưa nhẹ vào chiếc "eo thon" hình bánh mì của nàng, rồi vuốt nhẹ, từng ngón tay dịu dàng lần xuống, lần xuống thấp hơn.... Cảm giác của nàng lúc ấy nghe như rờn rợn, như chơi vơi, bàn tay "xinh xắn dịu dàng" ấy chỉ cần mất vài giây, đủ cho nàng cảm nhận trọn vẹn nhất thế nào là "phiêu ling" thì ngay sau đó đưa nàng vào trạng thái hụt hẫng, chơi vơi đến hoảng hốt. Vì bàn tay người ấy đã rời khỏi cơ thể nàng, nhanh chóng biến mất như làn gió trong dòng người nhộn nhịp, nàng ngơ ngác tìm kiếm khắp nơi, từ trạng thái lâng lâng, chuyển sang bàng hoàng, cầu cứu mọi người xung quanh, nhưng đành bất lực, vì tất cả đã hoá thành đá vô tri vô giác cả rồi. Họ chứng kiến một cuộc giao thoa cảm xúc giữa nàng và "bàn tay xinh xắn" ấy, nhưng tất cả đều im lặng. Giờ thì nàng mới cảm nhận sâu sắc nỗi bàng hoàng và hụt hẫng niềm tin của những người đã từng bị giống như nàng. Thấy thương quá những phận người yếu đuối, mong manh, trong khi xã hội thì đầy rẫy những lừa lọc, gian manh và vô cảm. Không thể trách ai, chỉ trách mình, vì quá tin vào sự tử tế và lòng lương thiện của họ. Sau những buồn vui, va đập, bon chen của cuộc đời, thấy tất cả rồi cũng chỉ là phù du. Thế nên đôi lúc chỉ muốn mình thử làm kẻ "thõng tay vào chợ" thế nhưng chưa kịp thực hiện thì đã bị "thõng tay vào túi" mất rồi. Thôi kệ, tự an ủi với câu nổi tiếng trong vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến "coi như cúng rằm tháng bảy" hị hị hị.... P/s: Lâu rồi không post bài, hôm nay vào cái giao diện lạ hoắc, bài copy dán vào không xuống dòng được, thiếu cả chức năng canh chỉnh dòng. Hu hu

29/7/13

Cõi lạ - Thơ Thu Nguyệt



Ảnh Cấn Đình Loan


Trút tình vào chốn hư không 
Ta như sợi chỉ đèo bòng treo chuông 
Loay hoay giữa một con đường 
Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân...

11/5/13

Gió tháng năm





Gió tháng năm nghe oi nồng và gay gắt, những cơn mưa bất chợt đến và đi vội vã không đủ làm dịu mát cái nắng hạn của muôn loài và cả lòng người cũng dường như khô héo lại.

Mùa hạ đang đến bên thềm, những cành phượng vỹ đỏ chói chang cứ lập loè như trêu ngươi cùng với cơn nóng bức. Bằng lăng tím lặng thầm khoe sắc, màu tím dịu dàng buồn man mác cần mẫn đợi mùa sang, những cánh hoa mong manh kiên cường một màu thuỷ chung, bất chấp nhưng cơn mưa đầu mùa xối xả, hay cái nắng đổ lửa. Bất chợt người ta nghe lòng mình chùng xuống, khi vô tình lướt ngang qua miền ký ức.

Mùa này những cơn mưa thường rất ngắn, và hay đến vào những buổi chiều cuối tuần, tiếng mưa rào rào, trên mái nhà hoà cùng tiếng chuông nhà thờ trong xa vắng tạo thành một bản hợp âm khi thì hùng tráng lúc bi thương. Vài ba sợi khói mong manh toả ra từ tách trà nóng, mùi hương hoa ngâu ngang qua đầu lưỡi đi vào cổ họng tạo thành một dòng ấm nóng vào tận tâm cang, lúc này vị ngòn ngọt, chan chát của trà phát huy nơi đầu lưỡi, cảm giác như thưởng thức một nốt nhạc vừa gãy lên còn đọng lại âm thanh cuối.

Những tháng trong năm đều mang một ý nghĩa riêng của nó, tháng năm có lẽ đọng lại nhiều ký ức nhất đối với tuổi học trò. Đời người đi qua bao nhiêu lần tháng năm? và mỗi tháng năm vẫn làm tròn sứ mệnh của nó, duy chỉ có con người trải qua mỗi thời kỳ mỗi khác. Thời gian luôn làm biến đổi những trạng thái con người, và nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng trong thời điểm đó. 

Sài Gòn không có những mùa hoa đặc trưng như Hà Nội, ngay cả các mùa cũng không rõ rệt. Tuy nhiên chỉ cần để ý một chút, thêm một phần tinh tế sẽ nhận ra ngay mùa nào đã đến và có những biến đổi giao mùa như thế nào.
Vào khoảng cuối xuân hoa bò cạp vàng nở rộ khắp các ngã đường, nơi công viên và chùa, miếu nó kéo dài đến tận tháng năm. Lúc đó bằng lăng cũng bắt đầu bung nụ, một màu tím lấp ló khắp nơi. Thế là dù có vội vã người ta vẫn không quên ngoái đầu nhìn ngắm, thỉnh thoảng nghe tiếng ai đó xuýt xoa " ôi sao mà đẹp thế". Phượng vỹ không thâm trầm như bằng lăng mà lại ồn ào phô trương một màu rực lửa. Một vẻ đẹp không cần che giấu, không e thẹn cứ thản nhiên nở và khoe sắc.

Nơi góc phố rêu phong cổ kính, cây phượng già khẳng khiu đơm bông rực rỡ, dấu thời gian in hằn lên vách, nghe như bước chân ai về trong gió chiều u tịch, một khoảng lặng của SG ồn ã. Không cô độc mà thanh bình đến lạ. Tiếng rao của gánh hàng rong rất đổi thân quen. Chân lữ khách chợt bước nhanh, nhưng tiếng gõ nhịp vẫn thong dong, cho kịp trở về trước khi trời sẩm tối.

Mùa nào đi qua cũng để lại sau mình những dấu ấn, chỉ có con người đôi khi thờ ơ mà không nhận thấy. Thỉnh thoảng vẫn còn có người, hay tha thẩn đếm mùa, nhặt lá và nhủ thầm: Rồi những cái nắng oi bức của tháng năm cũng sẽ qua, và những cơn mưa mùa hạ lại đến. Gió sẽ mang tất cả đi về miền xa thẳm. Chỉ còn lại bên đời một kẻ ngu ngơ. Đứng tần ngần ngắm nhìn những dấu chân thời gian để lại.


2/4/13

Hoa dại

Sáng nay dậy sớm tưới vườn hoa. Chợt thấy mấy bông hoa tím rung rinh trong gió, bỗng chạnh lòng thương bông hoa dại, hay chỉ tại  thương mình?
Vốn được mang theo chậu quất chưng ba ngày tết, vì thấy cây vẫn còn xanh tốt nên để lại chăm sóc. Hàng ngày tưới cho cây quất, thấy các loài cỏ dại cứ chen chúc mà sống dưới gốc cây thuận hoà trong một không gian chật hẹp. Thương cỏ không nỡ nhổ đi, cứ để cho nó sống cùng các loài cỏ khác.

Cây hoa tím này vốn là loài cỏ dại, sống ở vùng quê, giờ đây nhờ cây quất nó được đặt chân lên chốn thị thành, Cuộc sống bon chen, chật chội, thiếu cả nắng gió và không khí trong lành, thế mà nó vẫn vươn lên xanh tốt và lại tươi cười nở hoa. Nhìn cây lại nghĩ đến người, loài cỏ dại có một sức sống mãnh liệt, dù có khắt nghiệt nó vẫn vươn lên, còn có chút cơ hội nó vẫn bám víu để tìm sự sống. Nó vẫn cứ hồn nhiên xanh tươi, hồn nhiên nở hoa và hồn nhiên tàn lụi. Cứ mặc cho xung quanh có biến đổi gì, dù ngày mai có bị cô chủ nhổ gốc ngắt cành, nó vẫn vô tư vui sống. Còn con người vì có quá nhiều mưu cầu, quá nhiều ham muốn, nhưng ý chí có lúc lại yếu mềm hơn loài cỏ dại. Họ mang nặng ưu tư, họ tham vọng nên luôn lo sợ, sợ ngày mai phải chết đi bỏ lại cả gia tài và bao năm vất vả gầy dựng. Sợ cuộc sống qua nhanh, sợ chưa kịp đủ thời gian để hưởng thụ....

Đã rất lâu rồi không đi chân đất, không lội đồng, không được đạp chân lên cỏ, và quên cả những bông hoa giản dị này. Có lúc thấy mình thật buồn cười vì dù có mặc trên người những bộ cánh hợp thời, chân mang giày cao gót, nhưng trông tâm hồn vẫn không tẩy rửa được mùi phèn, cái ngai ngái của mùi cỏ dại. Vẫn thích các món ăn dân dã, vẫn mừngg vui muốn khóc khi bắt gặp chút hơi hướm thân quen của quê nhà. Thì ra mình vẫn còn nguyên là bà nhà quê ra tỉnh.

Dù sao thì cũng nhớ lắm cái thời xa xưa ấy, giờ  chỉ là chuỗi ngày hoài niệm, loanh quanh với cơm, áo, gạo, tiền, với bon chen và xì trét.

Xa xa lắm một thời gối cỏ
Dưới đồng xanh bát ngát những cánh cò
Dòng sông nhỏ giờ có còn lặn lội
Mỗi chiều về đỏ ối ánh hoàng hôn?















12/3/13

Khúc Thuỵ Du (Tranh thêu)

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thuỵ ơi và tình ơi.

Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thuỵ ơi  và tình ơi.




Tranh thêu




7/3/13

Sự hy sinh thầm lặng



Tranh của Albrecht Durer

Đằng sau mỗi thành công luôn có một sự hy sinh thầm lặng, thậm chí phải từ bỏ cả đam mê lớn nhất trong đời.

Mint
(Dịch từ Healing)

Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con, 18 đứa. Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố - một người thợ kim hoàn - đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ một công việc gì trong làng.

Mặc dù sống trong cảnh túng quẫn đó, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Nhưng thật đáng buồn bởi họ biết cha mình không bao giờ có thể kiếm đủ tiền để cho hai anh em đi học tại học viện nghệ thuật ở quê hương.

Sau nhiều đêm dài bàn bạc và thảo luận, hai anh em đã nghĩ ra một cách. Họ sẽ tung đồng xu. Người thua cuộc sẽ phải đi xuống hầm mỏ gần nhà để kiếm tiền nuôi người kia trong suốt thời gian ở học viện và sau 4 năm người được học sẽ phải lo mọi học phí cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh hay thậm chí là phải đi làm thuê kiếm tiền.



Sau khi thỏa thuận xong, họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht đã thắng và lên đường đến Nuremberg. Người còn lại Albert bắt đầu với những chuỗi ngày dài làm việc mệt nhọc, vất vả và suốt bốn năm học đều đặn gửi cho anh khoản tiền công ít ỏi. Tại học viện, tranh của người anh trai Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc gỗ, tranh sơn dầu của anh đều vượt xa các vị giáo sư lâu năm. Người anh đã kiếm được một khoản tiền lớn nhờ việc bán tranh cho đến khi tốt nghiệp.

Người nghệ sĩ trẻ trở về làng, gia đình Durer đã tổ chức một bữa tiệc lớn ăn mừng thành công của Albrecht. Sau bữa ăn dài và thịnh soạn, anh đứng lên nâng cốc về phía người em bày tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để vun đắp cho thành công ngày hôm nay: "Và bây giờ, Albert - em trai yêu quý của anh, đã đến lúc em biến ước mo của mình trở thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em".

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi Albert ngồi, nước mắt giàn giụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, người em nghẹn ngào: "Không... không… không…”.



Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói:

"Không được rồi anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế. Anh ơi, đã quá muộn rồi…"

Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn mọi người biết đến tranh ông chỉ qua một tác phẩm duy nhất.

Người ta kể rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands” (Đôi bàn tay cầu nguyện).

1/3/13

Người quan trọng nhất trong đời




Chuyện xảy ra tại một trường đại học.
Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên,
- "Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào?" 
Một nam sinh bước lên.
Giáo sư nói,
- "Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể rời bỏ".
Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân...
Giáo sư nói:
- "Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất!"
Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm.
Giáo sư lại nói:
- "Em hãy xoá thêm một người nữa!".
Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp.
Giáo sư nói tiếp:
- "Em xoá thêm tên một người nữa đi". Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời. chàng trai lại xoá tiếp.....
Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba tên: bố mẹ, vợ, và con.
Cả giảng đường im phăng phắc,
Mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi !!
Giáo sư bình tĩnh nói tiếp :
- "Em hãy xóa thêm một tên nữa! "
Chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn... anh đưa viên phấn lên... và gạch đi tên của bố mẹ!
- "Hãy gạch đi một cái tên nữa đi!", tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai.
Chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai... Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cũng đau khổ.
Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi:
- "Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó rời xa nhất?"
Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời.
Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:
- "Theo thời gian, cha mẹ sẽ là rời bỏ tôi mà đi, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi!

Nói xong rồi chàng trai quay sang nói nhỏ vào tai vị giáo sư : "Thưa thầy con phải nói như vậy là vì con vợ của con đang ngồi bên dưới ... không nói như vậy thì chỉ có chết với nó, xin thầy thông cảm giùm con."
Vị giáo sư cười như mếu :"Thầy cũng chẳng khác gì con! Bài trắc nghiệm này là do vợ của thầy đưa ra !!!!

(Sưu tầm)

27/2/13

“Tell Laura I Love Her” – Ray Peterson


“…Tommy and Laura were lovers
He wanted to give her everything
Flowers, presents and most of all, a wedding ring…”
“…Tommy và Laura là một đôi tình nhân
Anh ấy muốn tặng cho cô ấy mọi thứ
Những bông hoa, những món quà và trên hết là chiếc nhẫn đính hôn…”


Một câu chuyện tình yêu buồn lãng mạn được kể qua những giai điệu du dương làm say đắm lòng người hơn nửa thế kỷ qua. Tell Laura I Love Her là lời của chàng trai có tên Tommy dành tặng cho người yêu Laura nhưng thông qua mẹ của cô. Tommy muốn trao tặng một chiếc nhẫn cưới thật tuyệt vời cho cô gái của mình nhưng để có tiền mua được nó, anh phải tham gia vào một cuộc đua xe. Một tai nạn khủng khiếp xảy ra và trong cơn hấp hối, Tommy chỉ kịp bày tỏ tình cảm của mình bằng một câu ngắn ngủi: “Nói với Laura rằng tôi yêu cô ấy”.
Lời ca của Tell Laura I Love Her giống như một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim mà khi nghe tới đoạn kết, người nghe không khỏi bùi ngùi về một chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch. Giọng hát phiêu bồng của danh ca Ray Peterson như đem tới trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc tình yêu của Tommy và Laura.

(Trích từ VNExpress)

16/2/13

Bên Hồ - Thơ Thu Nguyệt


Ảnh Hồ Long Ẩn, Bửu Long Biên Hoà










Bên hồ - Thơ Thu Nguyệt

Những cánh sen rụng xuống làm thuyền
Tự chở phận mình, tự tan vào nước
Ta đã tự đi nửa đời xuôi ngược
Bàn chân mình vẫn hướng dấu chân ai.

Sen thản nhiên tàn còn ta loay hoay
Níu kéo tháng ngày phấn son nhợt nhạt
Hành trang cũ không nhiều không nặng
Sao đường dài sông biển quá mênh mông!

Sen cắm vào bùn xanh lá trắng bông
Ta cắm vào đời đỏ đen lẫn lộn
Vừa đuổi bắt lại vừa chạy trốn
Một điều gì thấy có lại như không.

Thấp thoáng nụ cười Ca Diếp sau bông
Sen vẫn vậy, nước trong hồ vẫn vậy
Ta mở mắt soi hoài không thấy
Úp mặt vào hồ nhờ nước khắc chân dung.

Ướt đẫm nụ cười Ca Diếp mênh mông...



15/2/13

Thác Giang Điền


Với cái nắng nóng tháng giêng của đất Sài Gòn, chọn được một nơi để đi du ngoạn, tìm chút không gian thoáng đãng mát lành, mà không phải mất quá nhiều thời gian là điều không dễ.

Thác Giang Điền thuộc địa phận Biên Hoà, Đồng Nai, cách thành phố HCM khoảng 55km. Với thời gian 1h30phut đi bằng ô tô. Một nơi gần Sài Gòn mà có được một cái thác tương đối mạnh mẽ và mát lành là điều khá thích thú.

Khi đặt chân đến đây, một không gian rộng lớn mở ra, thoáng đãng và nhiều mảng xanh. Một nơi rất phù hợp cho các đoàn nhóm cắm trại, rải rác khắp nơi có rất nhiều lều trại cho thuê. Bạn có thể thoả thích vui đùa trên những thảm cỏ xanh, khi nào mệt có thể xuống thác tha hồ vùng vẫy, dưới làn nước mát lành.

Nếu không có lựa chọn nào khác cho những ngày tết thì bạn hãy đến đây, để hưởng chút không khí trong lành, được trở về với thiên nhiên bao la cỏ cây và hoa lá.

CM đến đây đúng vào ngày Lễ Tình Nhân, nên khắp nên đều luôn hiện rõ sự hân hoan và niềm hạnh phúc của những cặp đôi đã và đang yêu.






















30/1/13

Chúm chím môi xinh


Hoa. cỏ từ vườn nhà ( trừ hoa Salem và Đào mua từ shop )


Rạng ngời như nắng ( hoa sao nhái)


Nước mắt của trời ( hoa hồng cam)


Viên mãn ( hồng phấn)


E ấp ( huỳnh anh )


Mong manh xuân thì ( hoa mười giờ )


Tím biếc đợi chờ ( Hoa Salem )


Hạnh phúc ngọt ngào ( hoa xương rồng )



Chúm chím hương xuân ( Hoa Đào đỏ )




26/1/13

Sen, chiều nay - Thơ Dạ Thảo Phương




Ảnh Cỏ May


Tay anh ấp lên ngực em
Tay em ấp lên tay anh
Chúng mình tựa vào nhau
Trìu mến, lơ đãng
Như những bông sen nhuốm u buồn một buổi chiều cuối hạ
Anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
Anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
Em đã là sen, từ trong bùn tối
KHi người ta trồng sen chỉ để lấy hạt gạo ướp trà, lấy tâm làm thuốc, lấy hạt nấu chè, lấy lá gói xôi
Em đã là sen
Hồng đơn côi
Bối rối vì vẻ đẹp vô ích của mình
Sống, là nở
Dù biết nở là lụi tàn
Toả hương là đau
Nhưng có lựa chọn khác không anh?
Chẳng bận tâm chiếc váy lụa xanh
Chẳng bận tâm chiếc áo lót hồng
Chẳng bận tâm thế giới loài người quá nhiều loại trang phục ngoài kia
Tay anh tìm ngực em
Những đầu ngón trìu mến gọi búp sen, búp sen
Môi anh tìm làn hương đầu tiên
Anh ơi,
Em đã đợi anh quá lâu
Đợi tên em ngát trên môi anh
Từ những ngày tháng tuyệt mù
Em đã là sen mà chưa biết
Tay anh ấp lên ngực em
Tay em ấp lên tay anh
Lặng lẽ, mình là sen
Qua đầm nước này là thế giới quá nhiều xe cộ và mặt người
Quá nhiều vọng đọng, mù loà, em không hiểu nỗi
Anh, em không muốn bị mặc cả hay tôn vinh
Không muốn níu kéo thời gian của mình trên bức ảnh với những con người màu mè, xa lạ
Những con người làm em hoảng sợ, vì họ hoảng sợ về câu hỏi chính mình
Ấp em trong tay anh, anh nhé
Mình là sen
Thuần khiết đến khi tàn
Là sen bên nhau
Nốt chiều nay.

Có Má là sướng nhất trên đời!


Ảnh từ Net

Người ta thường hay ví von  "đường đến con tim phải đi qua cái bao tử" quả rất đúng, tình thương mà cha mẹ mang đến cho con cái cũng không gì khác ngoài cái ăn, cái mặc và cái nghề. Vậy thì cái ăn luôn được ưu tiên hàng đầu, thế nên ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với những bà Mẹ, vẫn là những bữa ăn do chính bàn tay của Mẹ làm nên.

Hôm kia điện thoại về nhà mè nheo với Má, tết năm nay Má kho nồi thịt kho tàu gởi  lên Sài gòn cho con. Má hồ hởi nhận lời ngay, chẳng những thế mà còn vui ra mặt. Má bảo sẳn dừa kho thịt, còn lại cơm dừa sẽ làm gởi cho mình một mẻ mứt. Ôi chao sung sướng thay!  Bao năm qua đi, với ngần này tuổi nhưng chưa bao giờ kho được nồi thịt giống như Má.

 Mùi vị Má kho không lẫn vào đâu được, chỉ bước chân về đến nhà, nghe mùi thịt kho thơm lừng từ dưới bếp xông lên là muốn được ăn ngay cùng chén cơm nóng. Mỗi  lần về thăm quê món thích nhất muốn ăn là thịt heo kho tàu, có lẽ mùi vị thịt kho của Má ngon, thơm nhờ vào thịt heo ở quê nuôi thuần tuý từ tấm cá và bã rượu. Và đặc biệt là được kho trên bếp củi.  Cũng có thể một phần nó ngon nhờ tình thương của Má gởi vào trong đó. Tóm lại cái câu "không ai nấu ngon bằng Má" mình đã nghe từ rất nhiều người, chứ không riêng gì mình cảm thấy như thế.

Cũng cách đây vài hôm, bạn Heo ở nhà lại mè nheo với kiểu y chang như mình " Trưa thứ bảy mỗi tuần Mami nấu cơm mang vào trường học cùng ăn với con, vì thứ bảy trường nấu ăn rất dở" Vậy là con trai mình cũng thích thức ăn do mình nấu.  Cuộc đời cứ tiếp nối những điều như thế thật là thú vị. Mình nghe con trai mè nheo chẳng bực mình mà còn thấy vui trong lòng vì ít ra, nó còn thích ăn những gì mình nấu, nó thích được cùng ăn với mẹ, niềm hạnh phúc nào bằng!
Khi con đi khỏi mình lại ngẫm nghĩ, trên đời, không có gì sung sướng bằng khi ta còn Cha, còn Mẹ. Không biết con trai mình có kịp nhận ra điều ấy chưa?! nhưng với mình thì điều ấy đã thấm thía từ rất lâu, những khi vui, buồn đều có cha, mẹ chia sẻ là điều tuyệt vời nhất.

Mẹ chồng suốt cả tháng nay lục đục, hết bấm tay, rồi lẩm bẩm tính toán ngày hai đứa con từ nước ngoài về ăn tết, tính xem nấu món gì cho chúng nó ăn. Thậm chí bọn nó còn online order thực đơn trước, vì chúng nó cũng chỉ ghiền thức ăn của Má nấu.

Tối qua sang nhà hàng xóm kế bên chia buồn vì Bà Cụ vừa mới trút hơi thở sau cùng lúc 19h45' . Tự dưng thấy thương các chị ấy quá đỗi, thế là từ nay không còn Mẹ nữa. Dù Mẹ có già, có đau yếu bệnh tật nhưng vẫn còn nhìn thấy, trò chuyện mỗi ngày. Giờ thì không bao giờ còn gặp lại nữa,

Sáng sớm khi người ta làm lễ tẩn liệm, dàn nhạc kèn thổi các bài về Mẹ. Nằm trên giường mà thấy lòng rưng rưng muốn khóc, "Mẹ gìa như chuối chín cây, gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi". Ngày ấy  ai rồi cũng phải trải qua...
 "bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày" . Ôi cái ngày mà người ta phải về cõi trăm năm thật là buồn bã quá. Chợt thấy lo sợ khi tóc con ngày càng ít xanh mà thêm nhiều sợi bạc, nghĩa là "ngày xa Má càng gần" hơn.


6/1/13

Yellow Bird - The Brothers Four


The Brothers Four





Xuất phát từ là một nhóm trẻ chơi nhạc với tính cách "tài tử" (amateur) được kết hợp bởi 4 người (theo hình đính kèm, thứ tự từ trái sang phải): Mike Kirkland (guitar & banjo), Dick Foley (guitar), Bob Flick (acoustic bass) và John Paine (guitar), lần đầu tiên họ xuất hiện ra mắt công chúng ở trường Đại học Washington vào năm 1956, tiếp sau đó với hàng ngàn lần trình diễn cũng quanh quẩn ở các Đại học đường và sau cùng họ đã gây được sự chú ý của hãng dĩa Columbia, do đó cuộn dĩa nhựa đầu tiên được ra đời vào năm 1959, và kế tiếp là dĩa hát single "Greenfields" này được phát hành vào năm 1960 và cũng nhờ bản nhạc này mà họ đã thật sự tạo nên tên tuổi kể từ đó.

Nói chung nhạc của họ mang âm hưởng của loại cổ truyền dân tộc (folk) xuất phát từ các nước Mỹ, Ái Nhĩ Lan, Tân Tây Lan, Nhật, Trung Hoa, họ từng hát giải trí cho 4 vị tổng thống Mỹ ở tòa Bạch Ốc, và đã từng sang VN để trình diễn giúp vui cho quân đội Mỹ vào thời năm 1964 (photo đính kèm).


Trong số những bài nhạc hay đã đem lại thành công cho nhóm có một bản bất hủ nổi tiếng đáng ghi nhận, nghe thật hay cũng nhờ ở điểm "buồn" của nó đó là bài "Green Leaves Of Summer" được đệm trong cuộn film "The Alamo" vào năm 1960 (film này được chiếm giải thưởng Academy Award) của John Wayne (1907-1979).


Tưởng cũng cần mở ngoặc ở đây để nói sơ qua về người tài tử nổi danh này, có biệt danh là "Duke", người rất cao 6' 4½" (1.94 m) ông nổi tiếng qua những loại phim western với những anh chàng cowboys phi ngựa trên những cánh đồng hoang ngút ngàn đầy cỏ cháy khô cằn, là một trong những ngôi sao sáng chói của Hollywood sau gần 50 năm cống hiến tài nghệ cho ngành điện ảnh và trong danh sách của "The Hollywood Walk of Fame" tên ông được đặt ở 1541 Vine Street. Ông qua đời bởi chứng bệnh ung thư phổi và bao tử, được tổng thống Ronald Reagan (đắc cử trong hai nhiệm kỳ 1981-1989) viết lên một bài báo để làm tưởng niệm người bạn thân mang tựa đề "Unforgettable John Wayne" vào tháng 10/1979.



Và bài "Greenfields" này cũng đã từng được ban nhạc "Phượng Hoàng" dịch và trình bày bằng tiếng Việt qua tựa đề "Đồng Xanh" hẳn là ai cũng đã từng nghe qua, nghe "đặng" quá chứ hả các bạn cũng truyền cảm từa tựa giống như bài gốc vậy.



Ban nhạc trẻ VN này ra đời vào năm 1971 với sự kết hợp của các thành phần ca sĩ như: Lê Hựu Hà, Trường Kỳ, Nguyễn Trung Cang, Lê Huy và Elvis Phương, họ chuyên trình diễn những loại nhạc vui nhộn điệu pop-rock "Việt hóa", đã thu hút rất nhiều giới trẻ vào thời năm 70, sơ lược sau đây một vài bài thịnh hành mà chúng ta đã từng thưởng thức qua: Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Hãy ngước mắt nhìn đời, Yêu người yêu đời...



Còn gì nhạt nhẽo buồn tẻ hơn khi trong đời thiếu vắng âm nhạc, nó là món ăn tinh thần của mọi sinh vật ngay cả cho loài thú, cỏ cây, ngày nào con người còn hít thở khí trời tim còn đập nhịp thì ngày đó chúng ta còn biết thưởng thức rung động trước những mẫu nhạc trữ tình. Tưởng cũng cần nói lên lời cám ơn đến những nghệ sĩ tài ba đầy thiên phú, họ đã moi tim óc qua nguồn cảm hứng để sáng tác dâng hiến cho đời những bài ca đầy giá trị bất hủ. Theo thời gian mọi sự vật sẽ bị hao mòn tiêu diệt nhưng dòng nhạc thì không, nó sẽ là nguồn suối tuôn chảy mãi không bao giờ cạn không bao giờ ngừng, sẽ là bất diệt sống mãi với thời gian sống mãi trong lòng người... VIVE LA MUSIQUE!!!


Sưu tầm từ Net

4/1/13

Tranh thêu


Đây là những sản phẩm mà Cỏ May phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành nó.